Trong kỷ nguyên được định nghĩa bởi những tiến bộ công nghệ, bối cảnh an toàn tại nơi làm việc đã và đang có những bước tiến nhanh chóng. Một thế hệ Phương tiện bảo vệ cá nhân (PTBVCN) mới đang thu hút sự chú ý. Được thúc đẩy bởi Trí tuệ nhân tạo (AI) và các công nghệ cảm biến tiên tiến, các PTBVCN này không chỉ là biện pháp bảo vệ thụ động mà còn là biện pháp bảo vệ chủ động với mục tiêu hướng tới sự an toàn của người lao động.
Trong khi PTBVCN vẫn là giải pháp cuối cùng trong hệ thống phân cấp kiểm soát rủi ro, thì những thiết bị đeo thông minh đã trở thành lực lượng ngày càng mạnh mẽ, sẵn sàng cách mạng hóa công tác an toàn tại nơi làm việc. Công nghệ này được thiết kế để không chỉ xác định lại các ranh giới bảo vệ truyền thống mà còn nâng cao khả năng bảo vệ người lao động khỏi bị tổn hại theo những cách không thể tưởng tượng được trước đây.
Từ mũ bảo hiểm và áo khoác thông minh cho đến khung xương trợ lực (exoskeletons) tiên tiến, các thiết bị đeo được điều khiển bằng AI đã trở thành công cụ đáng tin cậy trong việc đảm bảo an toàn và an ninh cho người lao động trong nhiều ngành công nghiệp. Những thiết bị này không chỉ cung cấp một lớp phòng thủ chống lại các mối đe dọa vật lý tức thời mà còn mang đến một cách tiếp cận chủ động mới nhằm giảm thiểu rủi ro.
Thiết bị đeo, bao gồm PTBVCN thông minh, là các thiết bị điện tử nhỏ có cảm biến và khả năng tính toán. Dữ liệu có thể được thu thập bằng các thiết bị nhỏ đặt trong quần áo bảo hộ và PTBVCN như các thiết bị điện tử được sử dụng trong khung xương trợ lực và quần áo thông minh. Khung xương trợ lực robot là một thiết bị cơ khí được con người đeo, phục vụ các mục đích hoặc ứng dụng nhất định và thường được coi là một khung cơ khí cứng có các khớp cho phép người vận hành chuyển động.

Ứng dụng khung xương trợ lực hỗ trợ người lao động tại nơi làm việc. Ảnh: mine.nridigital.com
Quần áo thông minh có thể được định nghĩa là một hệ thống thông minh có khả năng cảm nhận và phản ứng với những thay đổi và ảnh hưởng của môi trường cũng như các điều kiện của người mặc như điện, nhiệt và từ tính. Các chức năng của quần áo thông minh bao gồm: bảo vệ, điều chỉnh nhiệt độ, giám sát, giải trí và thể hiện cá tính. Tính năng gồm: hiệu quả, trí thông minh và khả năng tính toán, tất cả đều kết hợp các công nghệ tiên tiến từ những lĩnh vực liên quan như thông tin điện tử, cảm biến và vật liệu.
Áo khoác thông minh ứng dụng công nghệ hiện đại ngày càng được sử dụng phổ biến. Ảnh: materialhandling247
Các thiết bị như miếng dán dùng một lần và hình xăm điện tử, được đeo trong một khoảng thời gian, là loại thiết bị đeo tương đối mới. Tương tự như các hệ thống giám sát an toàn vệ sinh lao động (ATVSLĐ) khác, các thiết bị này có thể đo các dấu hiệu quan trọng như nhịp tim và điện tâm đồ (ECG), huyết áp, nhiệt độ cơ thể và mức hydrat hóa.
An toàn trong thời gian thực: Sức mạnh của việc giám sát liên tục
Sự ra đời của PTBVCN do AI điều khiển đã đem đến cho nơi làm việc một công cụ mang tính cách mạng: giám sát thời gian thực. Những thiết bị đeo thông minh này đang thay đổi cục diện công tác an toàn tại nơi làm việc bằng cách không chỉ cung cấp khả năng bảo vệ mà còn là khả năng bảo vệ chủ động, thúc đẩy phòng chống các yếu tố gây hại nghề nghiệp vô hình như nhiệt, tiếng ồn, bụi, rung, hơi khí độc và các chất nguy hại. Khả năng bảo vệ này thậm chí có thể giúp đối phó với các điều kiện làm việc kém.
Với trọng tâm chính là giám sát các điều kiện môi trường. Loại PTBVCN này đánh giá các mức nhiệt cực đại, độ ẩm và chất lượng không khí, đảm bảo người lao động không tiếp xúc với các điều kiện môi trường nguy hại. Được xem như một lợi ích bổ sung, PTBVCN được trang bị cảm biến liên tục theo dõi giới hạn phơi nhiễm nghề nghiệp đối với các chất độc hại như các loại khí và hóa chất, cho phép phân tích nồng độ chất, một bước quan trọng nhằm ngăn ngừa các vấn đề sức khỏe và nâng cao mức độ vệ sinh lao động. Các thiết bị đeo ví dụ: đồng hồ thông minh là những phụ kiện được người dùng đeo, tích hợp công nghệ điện tử và điện toán để truy xuất và báo cáo dữ liệu. Các thiết bị này có khả năng thu thập và lưu trữ dữ liệu về hoạt động thể chất, chuyển động, nhiệt độ hoặc thậm chí cả giọng nói của người dùng. Dữ liệu có thể được phân tích bất cứ lúc nào. Bằng cách bổ sung hệ thống định vị toàn cầu (GPS), đơn vị đo quán tính (IMU) hoặc gia tốc kế vào hệ thống cảm biến, công nghệ thiết bị đeo có thể theo dõi vị trí và chuyển động của người sử dụng.
