TRUNG TÂM AN TOÀN LAO ĐỘNG

ĐIỆN THOẠI : 024.85.85.62.76 - HOTLINE : 0983.000.825

ĐỊA CHỈ : 216 Nguyễn Trãi, P.Trung Văn, Q.Nam Từ Liêm, TP.Hà Nội

0983.000.825

ATVSLĐ ở các mỏ đá: Doanh nghiệp phải chủ động cải thiện

Khai thác, chế biến đá (KTCBĐ) ở Việt Nam phát triển tương đối mạnh. Đến cuối 2019, gần 2.400 giấy phép khai thác đá (KTĐ) được cấp cho các cơ sở KTCBĐ. Do quy mô sản xuất nhỏ, giá trị sản phẩm không cao, đầu tư của các mỏ KTCBĐ vào công tác an toàn còn hạn chế. Vì vậy, việc cải thiện ATVSLĐ ở các mỏ quy mô nhỏ (QMN) là rất cần thiết. Bài viết dưới đây là một phần kết quả nghiên cứu của tác giả tại các cơ sở KTCBĐ QMN ở Quỳnh Lưu (Nghệ An) và đề xuất một số giải pháp phòng ngừa tai nạn lao động (TNLĐ), bệnh nghề nghiệp (BNN) cho khu vực sản xuất này.
 

Xe vận chuyển đá thành phẩm từ mỏ đá Lèn Trụ Hải, Quỳnh Văn, Quỳnh Lưu, Nghệ An đi tiêu thụ. Ảnh: H. Nga.

Đặc điểm về an toàn ở các mỏ đá QMN

KTCBĐ tiềm ẩn nhiều mối nguy như sạt lở đất, đá, nổ mìn không kiểm soát, ngã từ trên cao, tai nạn do vận hành máy móc thiết bị. Trong quá trình KTCBĐ, khoan, nổ mìn, xúc bốc, vận chuyển, nghiền, sàng..., phát sinh nhiều bụi có thể xâm nhập sâu vào phổi, có khả năng dẫn đến ung thư bên cạnh những bệnh về đường hô hấp và lao phổi, rối loạn hệ miễn dịch, thận mạn tính. Tiếng ồn của các máy móc khi vận hành, nổ mìn khiến NLĐ có nguy cơ bị suy giảm thính lực, mắc bệnh điếc nghề nghiệp. Các thiết bị làm việc gây bệnh rung nghề nghiệp cho các công nhân vận hành.

Việc áp dụng các quy chuẩn an toàn, các tiêu chuẩn quản lý an toàn trong doanh nghiệp là tương đối khó khăn ở các đơn vị có mô hình quản lý, công nghệ khai thác đơn giản, giá trị sản phẩm thấp.

Thực trạng ATVSLĐ tại các cơ sở KTCBĐ QMN ở Quỳnh Lưu, Nghệ An

Các cơ sở KTCBĐ QMN ở đây là các công ty TNHH hoặc doanh nghiệp tư nhân QMN, có công trường sản xuất độc lập; sử dụng tổ hợp dây chuyền tự động, công suất của hệ máy nghiền, sàng, tốc độ băng tải…được tính toán cụ thể để đảm bảo hoạt động đồng bộ, phù hợp, có thể điều chỉnh cho ra các sản phẩm theo nhu cầu thị trường. Sản phẩm sau chế biến được chở bằng ô tô đến nơi tiêu thụ.

Điều kiện máy móc, thiết bị của các mỏ tương đối tốt. Thuốc nổ được quản lý khá chặt chẽ. Nhiên liệu sử dụng là dầu DO. Một số mỏ đã có hệ thống cấp ẩm trước khi đưa đá vào nghiền sàng, giảm phần nào lượng bụi phát sinh trên mỏ.

Người lao động một mỏ đá ở Quỳnh Lưu đang làm việc. Ảnh: H. Nga.

Các doanh nghiệp chủ yếu sử dụng lao động địa phương, NLĐ thường làm việc ở tư thế gò bó hoặc nguy hiểm, hoặc công việc tiến hành trong môi trường độc hại, ô nhiễm, thực hiện ở ngoài trời, chịu ảnh hưởng xấu của khí hậu, thời tiết... gây ảnh hưởng đến sức khỏe. Bên cạnh ý thức đảm bảo an toàn cho bản thân và đồng nghiệp còn thấp, họ hầu như chưa được đào tạo một cách có hệ thống nên trong công việc và xử lý tình huống có thể dẫn đến TNLĐ do thiếu kinh nghiệm, kỹ năng.

Một số doanh nghiệp có đầu tư phòng ngừa TNLĐ và BNN, song chỗ nghỉ ngơi trong thời gian làm việc của NLĐ chưa hợp lý, chỗ làm việc chưa được sắp xếp gọn gàng, chưa có góc bảo hộ lao động, công trường không được phun dập bụi.

Một số gợi ý cải thiện công tác ATVSLĐ tại các mỏ đá QMN

Các giải pháp kỹ thuật

Cần xác định công nghệ khai thác và trang thiết bị phù hợp với điều kiện của từng mỏ. Cần đánh giá các mối nguy có thể xảy ra với NLĐ và thực hiện các giải pháp phòng ngừa theo Thông tư số 07/2016/TT-BLĐTBXH của Bộ LĐ-TB&XH.

Doanh nghiệp có thể lập Bảng danh mục thiết bị và liệt kê các mối nguy (như Bảng 1).

Bảng 1: Danh mục máy, thiết bị sử dụng

TT

Máy/thiết bị

Mục đích sử dụng

Các mối nguy

Thiết bị khai thác, chế biến

 

1

Ô tô tải 3,5 tấn

Vận chuyển đá

Sụt lở/dịch chuyển đất đá; tai nạn do phương tiện gây ra, vi khí hậu, bụi silic, ồn, rung

2

Máy khoan đá cầm tay

Khoan đá

Ngã cao, vi khí hậu, bụi, ồn, rung, vật thể rơi do mang vác bằng tay, trơn trượt, trượt ngã, mức nặng nhọc, mức căng thẳng

Thiết bị phụ trợ

 

1

Máy biến áp 450KVA

Chủ động cấp điện khi mất điện

 

Địa bàn Quỳnh Lưu là nơi có hệ nước ngầm caster tốt, nên để khắc phục tình trạng bụi, có thể sử dụng hệ thống máy phun sương dập bụi của Trung Quốc, sử dụng nước tuần hoàn, bán kính phun 180m, xoay 180 độ, chi phí đầu tư khoảng 50 - 80 triệu đồng.

Người lao động một mỏ đá ở Quỳnh Lưu làm việc thiếu phương tiện bảo hộ, biển cảnh báo. Ảnh: N.Hoài

Các giải pháp tổ chức

Doanh nghiệp cần xây dựng bộ cơ sở dữ liệu về các mối nguy, dùng để kiểm soát rủi ro mất an toàn lao động tại nơi làm việc, sử dụng tối ưu công nghệ và thiết bị sản xuất, nắm bắt được đặc điểm môi trường lao động và các mối nguy chính, đề xuất các biện pháp kiểm soát hợp lý, đúng thời điểm, giảm tỉ lệ TNLĐ, BNN.

Các doanh nghiệp QMN thường có quy mô từ 5 - 20 người, có thể phân công 1 - 2 người chuyên trách công tác an toàn hoặc tăng số lượng nhân viên kiêm nhiệm. Những người này thường xuyên được tham gia tập huấn, huấn luyện trong công tác an toàn lao động. Nhân viên phụ trách an toàn cũng cần là người thường xuyên có các ý tưởng đổi mới, cải tiến việc thông tin, tuyên truyền về an toàn lao động trong doanh nghiệp, được cử đi tham gia học hỏi các đơn vị khác và được khuyến khích các ý tưởng đổi mới.

Các doanh nghiệp phải tăng cường trao đổi về ATVSLĐ với các cơ quan quản lý tại địa phương và NLĐ (kế hoạch ATVSLĐ, các quy phạm kỹ thuật), đổi mới phương tiện và cách thức truyền thông ATVSLĐ (khẩu hiệu và tranh ảnh tuyên truyền), treo các biển báo hợp lý, thuận tiện, thu hút NLĐ. Các tờ giới thiệu, hướng dẫn vận hành máy an toàn cần được viết ngắn gọn, dễ hiểu.

Xây dựng góc bảo hộ lao động phù hợp điều kiện của doanh nghiệp. Trong góc bảo hộ, ngoài việc chứa các đồ bảo hộ dự phòng như giày, găng, mũ, phương tiện phòng cháy, chữa cháy…cần có tài liệu về Luật, các chế độ NLĐ được hưởng theo quy định của Nhà nước, các tài liệu phổ biến kiến thức, kỹ năng đảm bảo an toàn lao động của NLĐ.

Người sử dụng lao động (NSDLĐ) cần xác định con người là tài sản quan trọng nhất, phải được đảm bảo về phương tiện làm việc và môi trường làm việc an toàn.

Nơi tiếp nhiên liệu của một mỏ đá ở Quỳnh Lưu bề bộn, không có phương tiện phòng cháy, chữa cháy. Ảnh: Nguyễn Nga.

Các giải pháp với NSDLĐ và NLĐ

Lợi ích của doanh nghiệp do đảm bảo an toàn lao động là sản xuất được liên tục, tăng năng suất, không bị phạt và bồi thường cho cơ quan quản lý, NLĐ, không tốn kém sửa chữa các thiết bị hoặc khắc phục hậu quả, uy tín được giữ vững, phát triển, sức khỏe và tâm lý của NSDLĐ cũng được giữ vững vì tránh được những lo lắng, sợ hãi…nếu xảy ra mất an toàn lao động. Do đó, đầu tư vào NLĐ để họ được có cơ hội học tập, trau dồi kiến thức, kỹ năng, phát huy sáng tạo là rất cần thiết.

NSDLĐ cũng cần lưu ý sự khác biệt trong chế độ làm việc của máy móc thiết bị và NLĐ để bố trí thời gian làm việc và nghỉ ngơi cho NLĐ thích hợp. Máy móc làm việc liên tục, song NLĐ cần nghỉ ngơi để tái tạo sức lao động vì sự tập trung và năng suất của NLĐ bị ảnh hưởng của tâm lý, tuổi tác, giới tính...

Nhận thức, thái độ và kỹ năng làm việc của NLĐ được tích lũy tùy thuộc vào đặc điểm riêng của mỗi người. NLĐ cần được đào tạo kiến thức về an toàn lao động và phòng chống rủi ro, TNLĐ, BNN. Tuy nhiên, để NLĐ hình thành kỹ năng, nhận thức đúng đắn, đòi hỏi thời gian, sự quyết tâm của các cơ quan chính quyền, NSDLĐ và cả cộng đồng. Động lực của NLĐ cũng cần được khuyến khích để họ tích cực thực hiện các hành vi an toàn.

Sự thay đổi trong nhận thức của NLĐ về ATVSLĐ.

 

Kết luận

Các cơ sở KTCBĐ QMN trên địa bàn Quỳnh Lưu, Nghệ An đã bước đầu quan tâm cải thiện điều kiện làm việc, đảm bảo ATVSLĐ. Các doanh nghiệp đã cơ bản thực hiện các biện pháp an toàn cụ thể bảo vệ sức khỏe NLĐ. Tuy nhiên, vẫn còn một số nội dung cần được cải tiến. Các cải tiến cần được thực hiện đồng bộ cả ở các lĩnh vực kỹ thuật, tổ chức trong doanh nghiệp và con người, trong đó đề cao tinh thần phòng ngừa TNLĐ, nhằm mang lại lợi ích kinh tế cho doanh nghiệp và lợi ích chung cho toàn xã hội.

Nguồn: PGS.TS. NGUYỄN THỊ HOÀI NGA, Trường Đại học Mỏ - Địa chất | Tạp chí điện tử Lao động và Công đoàn