Thời gian qua, công tác huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động tiếp tục được doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh chú trọng, quan tâm, dành nguồn lực thỏa đáng để tổ chức huấn luyện cho các nhóm theo quy định của pháp luật, nhằm nâng cao hiểu biết cho người lao động, người sử dụng lao động về đảm bảo an toàn, vệ sinh trong lao động, chủ động nhận biết được các mối nguy hiểm tiềm ẩn trong khi làm việc từ đó đưa ra các biện pháp phòng tránh sự cố, giảm thiểu các rủi ro, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp cho doanh nghiệp, cơ sở…
Tuy nhiên, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, khiến hoạt động này tại nhiều doanh nghiệp, đơn vị bị hạn chế. Theo báo cáo của các địa phương, doanh nghiệp, năm 2021 ước tính chỉ có khoảng 2 triệu người lao động được huấn luyện về an toàn vệ sinh lao động.
Nhu cầu huấn luyện an toàn lao động trong các doanh nghiệp, đơn vị rất lớn |
Một trong những nguyên nhân của tình trạng này xuất phát từ ý thức thực hiện quy định pháp luật của doanh nghiệp và người lao động, tuy đã được cải thiện nhưng còn thấp, đặc biệt trong khu vực sản xuất nông nghiệp, làng nghề, hợp tác xã, doanh nghiệp nhỏ; số doanh nghiệp, cơ sở sản xuất có nhiều yếu tố nguy hiểm, độc hại vẫn chiếm tỷ lệ cao…
Bên cạnh đó là hạn chế của chính sách hiện hành. Nhiều cơ quan, tổ chức có trách nhiệm, chức năng huấn luyện an toàn vệ sinh lao động nhưng chưa có tiêu chí hoạt động rõ ràng. Chương trình khung theo chuẩn để bảo đảm các nội dung huấn luyện được xây dựng một cách khoa học chưa có. Nhiều chương trình huấn luyện được thiết kế phần lớn phụ thuộc vào người tổ chức, ít chú ý khâu thực hành để bảo đảm thuần thục về kỹ năng. Số đơn vị được cấp chứng nhận đủ điều kiện huấn luyện về an toàn vệ sinh lao động còn thấp.
Đến nay, mới có một số đơn vị thuộc hệ thống công đoàn được cấp chứng nhận đủ điều kiện huấn luyện về an toàn vệ sinh lao động như: Viện Khoa học An toàn và vệ sinh lao động (tại Hà Nội, Đà Nẵng, TP. Hồ Chí Minh), Liên đoàn Lao động tỉnh Tiền Giang, Liên đoàn Lao động tỉnh Quảng Ninh, Liên đoàn Lao động tỉnh Thái Nguyên…
Còn với Trung tâm Quốc gia về an toàn - vệ sinh lao động, mặc dù được đánh giá là đơn vị hàng đầu trong cả nước về công tác huấn luyện an toàn vệ sinh lao động, quan trắc môi trường lao động, kiểm định và tổ chức đào tạo kiểm định viên… nhưng năm 2021, Trung tâm mới tổ chức huấn luyện, đào tạo theo chức năng 1.178 lớp, với 64.378 lượt học viên; thực hiện quan trắc môi trường lao động cho 70 doanh nghiệp, thực hiện kiểm định kỹ thuật an toàn lao động cho 59 doanh nghiệp trên nhiều địa phương khác nhau với tổng số 1.775 thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt các loại.
Chính vì vậy, thời gian qua, tình hình tai nạn lao động vẫn tăng. Nhiều địa phương có số người tai nạn lao động cao như TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội, Hải Dương, Bình Dương…
Cụ thể tại Hà Nội, số liệu từ Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội, năm 2020, trên địa bàn thành phố xảy ra 388 vụ tai nạn lao động, làm 402 người thương vong. Trong đó, số vụ tai nạn lao động nghiêm trọng (có người chết) tăng 13 vụ so với năm 2019. Năm 2021, Hà Nội tiếp tục xảy ra một số vụ tai nạn lao động đáng tiếc, như vụ công nhân bị mắc kẹt tại công trình xây dựng ở số 170 Phạm Văn Đồng (quận Cầu Giấy) do hệ sàn cốp pha bị sập.
Theo bà Chu Thị Hạnh - Phó Cục trưởng Cục An toàn lao động, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, việc triển khai các hoạt động huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động của nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn do dịch bệnh nên số lượng người được huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động định kỳ và lần đầu giảm so với các năm trước; công tác an toàn, vệ sinh lao động ở khu vực không có quan hệ lao động còn hạn chế do các địa phương chưa quan tâm nhiều và chưa bố trí đủ nguồn lực, thậm chí có nơi còn chưa bố trí để triển khai.
Ước tính nhu cầu huấn luyện trong an toàn lao động mỗi năm khoảng 165 nghìn người sử dụng lao động, 200 nghìn người làm công tác an toàn vệ sinh lao động, khoảng 23 triệu người lao động. |