Để đảm bảo an toàn cho người lao động trong quá trình làm việc, cần tiến hành đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó, công tác huấn luyện cho người lao động để họ nắm được các kiến thức kỹ năng và có thái độ làm việc kỷ luật, tuân thủ là một điều tối quan trọng, một giải pháp cốt lõi.
Công nhân làm việc tại Công ty Sanwa Việt Nam
Được huấn luyện trước khi làm việc
Ông Nguyễn Anh Thơ – Viện trưởng Viện Khoa học An toàn và Vệ sinh lao động (Tổng LĐLĐVN) – cho biết, như trên khi trao đổi với phóng viên Báo Lao Động. Theo ông Thơ, đây là biện pháp quan trọng nhất, hiệu quả nhất, rẻ nhất, lúc nào cũng làm được, lúc nào cũng phải làm.
“Việc huấn luyện an toàn vệ sinh lao động chưa bao giờ là công việc được xếp ở hàng thứ yếu, mà đây phải là công việc đầu tiên” – ông Thơ khẳng định.
Theo ông Thơ, trước khi NLĐ vào làm việc ở doanh nghiệp, một công việc mới thì họ phải được huấn luyện, phải được thông tin đầy đủ về các nguy cơ mất an toàn lao động.
“Trách nhiệm này thuộc về chủ sử dụng lao động. Nếu chủ sử dụng lao động có bộ máy, chuyên gia thì sẽ đứng ra tổ chức huấn luyện cho NLĐ; nếu không có chuyên gia, không đủ năng lực thì có thể thuê bên ngoài. Mục tiêu chung của công tác huấn luyện này là nâng cao nhận thức, kỹ năng, đặc biệt là thái độ làm việc của NLĐ, thái độ của người quản lý, chủ doanh nghiệp đối với công tác an toàn, bảo vệ sức khỏe NLĐ” – Viện trưởng Viện Khoa học An toàn và Vệ sinh lao động nhấn mạnh.
Từ thực tế, ông Nguyễn Anh Thơ đánh giá, thời gian qua, các cấp quản lý trong từng loại hình doanh nghiệp (DN) đã quan tâm nhiều đến công tác huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động; nhiều NLĐ có nhu cầu và mong muốn được cung cấp thông tin, kỹ năng để đảm bảo an toàn. Tuy nhiên, ông Thơ cho biết, qua theo dõi, vẫn còn rất nhiều chủ DN chưa ý thức được việc trang bị kiến thức, kỹ năng về an toàn cho NLĐ.
Doanh nghiệp triển khai nhiều giải pháp đảm bảo an toàn
Trao đổi với Lao Động, ông Vũ Thanh Tùng – đại diện Công ty TNHH Sản xuất Sanwa Việt Nam (Khu công nghiệp Đình Trám, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang) cho biết, là doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, công ty luôn tôn trọng các chính sách, quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh ở Việt Nam và những vấn đề về an toàn lao động.
“Chúng tôi thực hiện nghiêm túc việc tổ chức khám sức khỏe định kỳ cho nhân viên hàng năm để ngăn ngừa và xác định một số nguy cơ bệnh nghề nghiệp có thể xảy ra với NLĐ công ty trong quá trình làm việc” – ông Tùng cho hay.
Theo ông Tùng, công ty thường xuyên tiến hành kiểm tra và bảo trì các thiết bị sử dụng trong sản xuất. Công ty cam kết tiếp tục tăng cường đầu tư vào sản xuất và vận hành, bao gồm cả thiết bị, các khía cạnh của môi trường doanh nghiệp để có thể tạo ra một môi trường làm việc tốt nhất cho nhân viên của mình.
“Trong những năm hoạt động, không có bất kỳ sự cố nghiêm trọng nào về sức khỏe liên quan đến nghề nghiệp. Chúng tôi tâm niệm một môi trường an toàn, lành mạnh, sạch sẽ tạo cho nhân viên lao động sản xuất vui vẻ ngay tại nơi làm việc, từ đó gắn bó với công ty” – ông Tùng nói.
Ông Võ Quang Lâm – Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) – cho biết, tập đoàn tập trung mọi nguồn lực thực hiện khắc phục những vị trí nguy cơ tiềm ẩn gây mất an toàn trong môi trường làm việc của NLĐ; từng bước cải tạo môi trường làm việc, chỉnh trang cơ sở hạ tầng lưới điện.
“Chúng tôi cũng yêu cầu các đơn vị thành viên, các tổng công ty, công ty điện lực xây dựng mạng lưới an toàn vệ sinh viên và cải thiện môi trường làm việc an toàn cho công nhân, NLĐ.
Trong quá trình hoạt động sản xuất kinh doanh, tập đoàn thường xuyên tổ chức huấn luyện an toàn vệ sinh lao động cho NLĐ định kỳ theo đúng quy định; nhận diện và phòng ngừa rủi ro, đo kiểm môi trường lao động; thực hiện quản lý thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động” – ông Lâm thông tin.
Nguồn:laodong.vn