0983.000.825

Nâng cao ý thức, chấp hành nghiêm quy định để giảm tai nạn lao động

Các vụ tai nạn đã và đang gây thiệt hại rất lớn về vật chất và tinh thần cho người sử dụng lao động và người lao động do đó để giảm các vụ tai nạn lao động thì việc tuân thủ các quy định an toàn trong lao động là điều kiện tiên quyết.

Báo cáo tổng kết công tác An toàn, vệ sinh lao động năm 2023 của Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội cho biết, năm 2023, trên địa bàn thành phố Hà Nội xảy ra 294 vụ tai nạn lao động làm 300 người lao động bị nạn. Các vụ tai nạn lao động vẫn chủ yếu là tai nạn ngã cao, vật rơi từ trên cao trong ngành xây dựng (chiếm 69,1%), sản xuất lắp ráp cơ khí (chiếm 23,8%), các vụ khác chiếm 15%…

Các chuyên gia chia sẻ, giải đáp vướng mắc của người lao động tại buổi Đối thoại – Giao lưu trực tuyến – Truyền thông chính sách năm 2024 với chủ đề “Những điểm mới về chế độ, chính sách cho người lao động”.

 

Nguyên nhân của các vụ tai nạn đến từ ý thức tuân thủ quy định về an toàn vệ sinh lao động của doanh nghiệp và người lao động chưa cao. Các vụ tai nạn đã và đang gây thiệt hại rất lớn về vật chất và tinh thần cho người sử dụng lao động và người lao động do đó để giảm các vụ tai nạn lao động thì việc tuân thủ các quy định an toàn trong lao động là điều kiện tiên quyết.

Chia sẻ tại buổi Đối thoại – Giao lưu trực tuyến – Truyền thông chính sách năm 2024 với chủ đề “Những điểm mới về chế độ, chính sách cho người lao động” do Báo Lao động Thủ đô phối hợp với LĐLĐ huyện Đan Phượng tổ chức mới đây, TS. Đỗ Thị Lan Chi – Phó trưởng khoa Bảo hộ lao động (Trường Đại học Công đoàn) cho biết: “Khi xảy ra tai nạn lao động không chỉ người lao động bị ảnh hưởng mà còn ảnh hưởng tới nhiều người xung quanh, ảnh hưởng đến đồng nghiệp; ảnh hưởng chủ sử dụng lao động, làm thất thoát tài sản của doanh nghiệp… Do đó, việc tuân thủ các quy định an toàn là điều kiện tiên quyết, khi làm việc ở trong những môi trường có nguy cơ cao về an toàn lao động, người lao động phải chú trọng tuân thủ tuyệt đối các quy định đảm bảo an toàn”.

Theo TS. Đỗ Thị Lan Chi, người sử dụng lao động và người lao động đều cần tuân thủ nghiêm các quy tắc đảm bảo an toàn lao động, trong đó, người sử dụng lao động có trách nhiệm rất lớn trong việc đảm bảo an toàn vệ sinh lao động cho người lao động, nếu người sử dụng lao động không quan tâm điều đó thì nguy cơ để xảy ra rủi ro, tai nạn lao động là rất cao.

Người sử dụng lao động có trách nhiệm xây dựng tổ chức thực hiện, chủ động phối hợp với các cơ quan, tổ chức trong việc đảm bảo an toàn lao động tại nơi làm việc thuộc phạm vi trách nhiệm của mình; phải đóng bảo hiểm tai nạn nghề nghiệp cho người lao động; phải tổ chức huấn luyện, hướng dẫn các nội quy, quy định để người lao động nắm bắt được các biện pháp để đảm bảo an toàn vệ sinh lao động; phải trang bị đầy đủ các phương tiện để đảm bảo an toàn vệ sinh lao động; thực hiện chăm sóc sức khỏe, khám phát hiện bệnh nghề nghiệp, thực hiện đầy đủ các chế độ cho người lao động nếu họ bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.