TRUNG TÂM AN TOÀN LAO ĐỘNG

ĐIỆN THOẠI : 024.85.85.62.76 - HOTLINE : 0983.000.825

ĐỊA CHỈ : 216 Nguyễn Trãi, P.Trung Văn, Q.Nam Từ Liêm, TP.Hà Nội

0983.000.825

Điện Biên: Bảo đảm ATLĐ trong sản xuất nông nghiệp

Ðiện Biên là tỉnh có ngành nông nghiệp đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội. Với đông đảo lực lượng tham gia, lao động ngành nông nghiệp đã mạnh dạn ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất. Tuy nhiên, cùng với sự phát triển của khoa học - công nghệ, người lao động cũng đứng trước nguy cơ cao mắc tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp.

Nông dân huyện Ðiện Biên sử dụng máy gặt thu hoạch lúa. Ảnh: Châu Linh
 
Vụ mùa năm 2023, để giảm nhẹ thiệt hại trên diện tích lúa bị nhiễm bệnh, chị Trần Thị Vân, xã Thanh An (huyện Ðiện Biên) đã quyết định mua thuốc bảo vệ thực vật về sử dụng. Trong quá trình phun thuốc, chị Vân không sử dụng phương tiện bảo vệ cá nhân. Sau đó không lâu, khắp người chị Vân bị nổi mẩn đỏ, chân tay bủn rủn, đau đầu, choáng váng, phải đến Trung tâm Y tế huyện khám và nghỉ ngơi nhiều ngày. Chị Vân cho biết: Rút kinh nghiệm sau sự cố đó, tôi chú ý bảo vệ sức khỏe bản thân hơn trong quá trình làm việc. Mỗi khi ra đồng tôi đều sử dụng đồ bảo hộ lao động, găng tay, kính mắt để hạn chế tiếp xúc với hóa chất, tuân thủ liều lượng của nhà sản xuất đưa ra.
 
Tháng 6/2023, Khoa Ngoại tổng hợp (Bệnh viện Ða khoa tỉnh) đã tiếp nhận nam bệnh nhân bị tai nạn lao động nghiêm trọng. Nạn nhân là ông Lò Văn C. (41 tuổi), trú tại bản Bánh, xã Thanh Luông (huyện Ðiện Biên). Theo thông tin từ gia đình, ông C. bị máy phay chèn qua ngực và bụng trong quá trình lao động khiến ông bị đa chấn thương ngực bụng, vỡ lách, gãy xương sườn 7, 8, 9 bên trái. Trước tình trạng nguy hiểm tới tính mạng, ông C. đã được bệnh viện kích hoạt quy trình báo động đỏ nội viện và chỉ định phẫu thuật cấp cứu gấp. Sau phẫu thuật, dù đã qua cơn nguy kịch nhưng di chứng do tai nạn để lại đã ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe của ông C., khiến cuộc sống gia đình bị xáo trộn.
 
2 trường hợp trên chỉ là một số lao động nông nghiệp bị tai nạn lao động trong quá trình sản xuất. Theo báo cáo của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, 6 tháng đầu năm 2023, toàn tỉnh xảy ra 11 vụ tai nạn lao động, trong đó 2 vụ trong khu vực có quan hệ lao động, 9 vụ trong khu vực không có quan hệ lao động. Tại các vụ tai nạn trong khu vực không có quan hệ lao động có 5 vụ tai nạn lao động giản đơn trong nông nghiệp (chiếm 55,6%).
 
Nguyên nhân dẫn đến tai nạn lao động trong sản xuất nông nghiệp là do phần lớn lao động chưa qua đào tạo nghề, họ thường làm việc theo kinh nghiệm. Nhiều người dân thiếu kiến thức và kỹ năng sử dụng máy nông nghiệp, mua máy về tự học, tự làm mà không có người hướng dẫn bài bản dẫn đến nguy cơ cao xảy ra tai nạn lao động. Ngoài nguy cơ mất an toàn do sử dụng máy móc, thì việc sử dụng các loại hóa chất trong chăm sóc, bảo vệ cây trồng không đúng cách cũng gây nguy hiểm cho nông dân. Với tâm lý sản xuất theo thói quen, người dân thường bỏ qua việc sử dụng bảo hộ lao động. Một số người dân vì lợi nhuận kinh tế đã lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật, thuốc kích thích tăng trưởng cây trồng, vật nuôi không theo hướng dẫn, không tuân thủ thời gian cách ly… để tăng năng suất sản phẩm nông nghiệp làm mất an toàn vệ sinh lao động trong nông nghiệp.
 
Cùng với đó, vấn đề an toàn lao động trong sản xuất nông nghiệp cũng chưa được một số địa phương và ngành chức năng quan tâm đúng mức; công tác quản lý Nhà nước về an toàn vệ sinh lao động trong nông nghiệp ở nhiều nơi bị buông lỏng; việc thanh tra, kiểm tra an toàn vệ sinh lao động đối với nông nghiệp và nông dân còn yếu; công tác thông tin, tuyên truyền, huấn luyện về vệ sinh, an toàn lao động chưa được thực hiện kịp thời, thường xuyên.
 
Thực tế cho thấy, khi người lao động nông nghiệp bị tai nạn, họ vừa mất đi thu nhập, vừa đẩy kinh tế gia đình vào hoàn cảnh khó khăn, làm gia tăng tỷ lệ hộ nghèo ở nông thôn. Vì vậy, mỗi người dân khi tham gia sản xuất nông nghiệp cần chủ động nâng cao nhận thức và ý thức bảo vệ bản thân; thay đổi tư duy sản xuất, xây dựng kế hoạch sản xuất sạch, an toàn; phát triển sản xuất theo quy hoạch để thuận lợi áp dụng cơ giới hóa trong chăm sóc, thu hoạch và tiêu thụ sản phẩm, tạo ra những sản phẩm an toàn với sức khỏe của người sản xuất và tiêu dùng, nâng cao giá trị cạnh tranh sản phẩm nông nghiệp. Ðồng thời, để bảo đảm an toàn lao động, phòng tránh những rủi ro khi tham gia sản xuất nông nghiệp cho lao động, các ngành chức năng cần tăng cường công tác tập huấn, nâng cao kỹ thuật, tay nghề trong vận hành máy móc cho người nông dân; tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn nông dân sử dụng thuốc bảo vệ thực vật đúng cách, đúng liều lượng, thời gian quy định.
 
Nguồn: Châu Linh – Báo Điện Biên Phủ điện tử