TRUNG TÂM AN TOÀN LAO ĐỘNG

ĐIỆN THOẠI : 024.85.85.62.76 - HOTLINE : 0983.000.825

ĐỊA CHỈ : 216 Nguyễn Trãi, P.Trung Văn, Q.Nam Từ Liêm, TP.Hà Nội

0983.000.825

Huyện Ý Yên: Tăng cường quản lý ATVSLĐ trong doanh nghiệp

Là địa phương có ngành nghề công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp phát triển mạnh với lực lượng doanh nghiệp khá đông đúc, công tác quản lý an toàn vệ sinh lao động (ATVSLĐ) trong các doanh nghiệp nông thôn, làng nghề luôn được huyện chú trọng là một trong những yếu tố để đảm bảo phát triển sản xuất bền vững.
Công ty TNHH Santa Clara nằm trên địa bàn xã Yên Bình (Ý Yên) chuyên sản xuất, kinh doanh hàng may mặc có 2.470 lao động. Với đặc thù ngành nghề nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm, tiềm ẩn nguy cơ mất ATVSLĐ, ngay từ khi đầu tư xây dựng nhà xưởng, lắp đặt dây chuyền sản xuất, Công ty đã đầu tư đồng bộ các trang thiết bị, phương tiện bảo đảm ATVSLĐ - phòng chống cháy nổ (PCCN), hệ thống xử lý rác thải, hệ thống cấp nước sạch... Bên cạnh đó, kể từ khi đi vào hoạt động (năm 2016), Công ty luôn quan tâm và thực hiện tốt các quy định của pháp luật về ATVSLĐ: Thành lập bộ phận ATVSLĐ; xây dựng mạng lưới an toàn vệ sinh viên ở các bộ phận sản xuất - kinh doanh hoạt động nền nếp theo nội quy; xây dựng nội quy lao động, quy định về ATVSLĐ, quy trình vận hành máy, thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động và hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra người lao động thực hiện; cấp phát đầy đủ phương tiện bảo vệ cá nhân cho người lao động thực hiện công việc có yếu tố nguy hiểm, độc hại; xây dựng môi trường làm việc xanh - sạch - đẹp. Từ năm 2022 đến nay, Công ty đã tổ chức huấn luyện ATVSLĐ cho 2.135 người lao động, đồng thời thường xuyên tự kiểm tra, rà soát phát hiện các nguy cơ rủi ro để kịp thời khắc phục và bổ sung các nội quy, quy trình làm việc an toàn; thực hiện kiểm tra định kỳ, bảo dưỡng máy, thiết bị, nhà xưởng. Nhiều năm qua, Công ty TNHH Santa Clara luôn được đánh giá là thực hiện tốt các quy định ATVSLĐ, môi trường làm việc an toàn.
 
Công ty TNHH Santa Clara ở xã Yên Bình thực hiện tốt các quy định về ATVSLĐ. Ảnh: Minh Tân
 
Trên địa bàn huyện Ý Yên hiện có hơn 700 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất công nghiệp, thương mại và dịch vụ; tạo việc làm, thu nhập ổn định cho gần 13 nghìn lao động địa phương. Những năm qua, các cấp ủy Đảng, chính quyền trong huyện đã chỉ đạo triển khai đồng bộ các biện pháp tuyên truyền, hướng dẫn, đôn đốc các đơn vị, doanh nghiệp thực hiện nghiêm túc các quy định của pháp luật về ATVSLĐ, cải thiện môi trường, điều kiện làm việc cho người lao động.

Công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của chủ sử dụng lao động và người lao động về ATVSLĐ là một trong những giải pháp được huyện Ý Yên quan tâm đẩy mạnh trên hệ thống đài truyền thanh của huyện, xã; phát sách, báo, tờ rơi, tờ gấp, treo băng rôn, khẩu hiệu… Nội dung tuyên truyền về mục đích, ý nghĩa của việc thực hiện ATVSLĐ, PCCN trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, bảo vệ sức khỏe người lao động và sự phát triển bền vững của doanh nghiệp; các quyền, nghĩa vụ của người sử dụng lao động và người lao động trong công tác bảo đảm ATVSLĐ, PCCN; hướng dẫn doanh nghiệp, người lao động thực hiện các biện pháp ATVSLĐ, cải thiện điều kiện lao động trong doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh. Trong Tháng Hành động về ATVSLĐ năm 2023, UBND huyện chỉ đạo các ngành chức năng, các xã, thị trấn tổ chức hưởng ứng với nhiều hoạt động thiết thực: Đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền, giáo dục, huấn luyện ATVSLĐ; tăng cường các biện pháp đảm bảo ATVSLĐ tại nơi làm việc; đảm bảo thực hiện các quy định về bảo hộ lao động và chăm sóc sức khỏe người lao động; tổ chức các hoạt động thúc đẩy sự tham gia thực hiện ATVSLĐ của người lao động... Để hỗ trợ các đơn vị, doanh nghiệp thực hiện tốt công tác ATVSLĐ, Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện phối hợp với các đơn vị tổ chức tập huấn, huấn luyện kỹ thuật ATVSLĐ cho người sử dụng lao động và người lao động của các doanh nghiệp trong các lĩnh vực có nguy cơ mất ATVSLĐ. Từ đầu năm 2023 đến nay đã tổ chức 15 lớp tập huấn, huấn luyện kỹ thuật ATVSLĐ cho trên 2.600 người sử dụng lao động và người lao động. Đây là những “hạt nhân”, lực lượng nòng cốt để các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh tổ chức tập huấn, hướng dẫn ATVSLĐ cho toàn thể người lao động. 

Ngay từ đầu năm, trong phát động thi đua, huyện tổ chức cho các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh ký cam kết thực hiện công tác ATVSLĐ, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra định kỳ và đột xuất tại các đơn vị và hướng dẫn các doanh nghiệp tự kiểm tra, phát hiện, khắc phục những tồn tại trong công tác ATVSLĐ-PCCN. Qua kiểm tra cho thấy, nhận thức, trách nhiệm trong việc chấp hành pháp luật về ATVSLĐ của người sử dụng lao động và người lao động trên địa bàn đã được nâng cao. Hầu hết các doanh nghiệp trên địa bàn, nhất là các doanh nghiệp Nhà nước, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động đều thực hiện tốt các quy định về ATVSLĐ: Thành lập Hội đồng bảo hộ lao động hoặc bộ phận ATVSLĐ, có cán bộ y tế và trang bị một số loại thuốc, thiết bị y tế thông thường theo quy định; xây dựng mạng lưới an toàn vệ sinh viên ở các bộ phận sản xuất, kinh doanh hoạt động nền nếp theo nội quy; hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra người lao động thực hiện ATVSLĐ, đặc biệt là quy trình vận hành, sử dụng máy, thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động. Tổ chức huấn luyện ATVSLĐ cho người lao động; trang bị phương tiện bảo vệ cá nhân; tự kiểm tra ATVSLĐ; kiểm định kỹ thuật an toàn đối với các thiết bị, máy có yêu cầu nghiêm ngặt về ATVSLĐ; lập hồ sơ theo dõi, quản lý công tác phòng cháy, chữa cháy (PCCC); lập phương án chữa cháy gửi cơ quan có thẩm quyền thẩm duyệt; ban hành nội quy PCCC; thành lập đội PCCC cơ sở; trang bị phương tiện chữa cháy tại chỗ; mua bảo hiểm cháy nổ bắt buộc; quan tâm, đầu tư, cải thiện tạo điều kiện môi trường làm việc; khám sức khỏe định kỳ, khám phát hiện bệnh nghề nghiệp, chăm lo đời sống người lao động.

Tuy nhiên, ở các doanh nghiệp có vốn đầu tư thấp, năng lực sản xuất chưa cao, nhất là lĩnh vực dệt may, da giày, chế biến và xây dựng công nghiệp thì tình hình thực hiện các quy định về ATVSLĐ và các quy chuẩn, tiêu chuẩn lao động, thời gian lao động còn một số bất cập, vi phạm quy định về ATVSLĐ. Một số cơ sở nhỏ có nhà xưởng xuống cấp, thiết bị sản xuất cũ, lạc hậu; người sử dụng lao động và người lao động còn thiếu hiểu biết pháp luật về ATVSLĐ, chưa coi trọng đúng mức công tác ATVSLĐ; doanh nghiệp, cơ sở sản xuất không kiểm tra, đôn đốc người lao động sử dụng bảo hộ lao động; nhiều doanh nghiệp không khám sức khỏe định kỳ cho người lao động; chưa chú trọng đến công tác huấn luyện ATVSLĐ cho người lao động; thiết bị, dụng cụ PCCC còn thiếu… Đoàn kiểm tra đã nhắc nhở, yêu cầu và hướng dẫn doanh nghiệp khắc phục kịp thời những hạn chế, thiếu sót.

Với các biện pháp đồng bộ, hiệu quả, huyện Ý Yên đã tạo được bước chuyển biến tích cực trong công tác ATVSLĐ-PCCN tại các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh. Thời gian tới, huyện Ý Yên tiếp tục tăng cường vai trò lãnh đạo của cấp ủy Đảng, chính quyền, các ngành chức năng trong công tác ATVSLĐ. Đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao ý thức trách nhiệm thực hiện ATVSLĐ của doanh nghiệp và người lao động trong quá trình sản xuất, kinh doanh. Khuyến khích doanh nghiệp tăng cường đầu tư các trang thiết bị an toàn, cải thiện điều kiện làm việc, hướng dẫn các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất tự kiểm tra, khắc phục các hạn chế trong công tác ATVSLĐ, PCCN. Tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định của pháp luật về ATVSLĐ-PCCN tại các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm./.
            
Nguồn: Minh Tân – Báo Nam Định điện tử