TRUNG TÂM AN TOÀN LAO ĐỘNG

ĐIỆN THOẠI : 024.85.85.62.76 - HOTLINE : 0983.000.825

ĐỊA CHỈ : 216 Nguyễn Trãi, P.Trung Văn, Q.Nam Từ Liêm, TP.Hà Nội

0983.000.825

Quảng Ninh: Tăng cường công tác quản lý, tuân thủ pháp luật về ATVSLĐ

Mới đây, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Quảng Ninh đã ban hành văn bản đề nghị các sở, ngành, địa phương, các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh triển khai thực hiện một số nội dung về việc tăng cường quản lý nhà nước, tuân thủ pháp luật an toàn vệ sinh lao động (ATVSLĐ).
Trong thời gian gần đây, trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh đã để xảy ra một số vụ tai nạn lao động nghiêm trọng, làm chết và bị thương nhiều người. Có thể kể đến như: Vụ tai nạn lao động xảy ra ngày 04/04/2022, tại Công ty CP Môi trường đô thị Hạ Long Quảng Ninh làm chết 01 công nhân, bị thương 03 công nhân do ngạt khí; Vụ tai nạn lao động xảy ra ngày 26/04/2022 tại Công ty CP Viglacera Hạ Long làm chết 01 công nhân, bị thương 01 công nhân do ngạt khí; Vụ tai nạn lao động xảy ra ngày 02/02/2023 tại Công ty CP Nosco Shipyard làm chết 04 công nhân, bị thương 04 công nhân do cháy, nổ bên trong khoang hàng tàu; Vụ tai nạn lao động xảy ra ngày 26/08/2023 tại Công ty CP Than Vàng Danh – Vinacomin làm chết 04 công nhân do bục nước trong khai thác than hầm lò.

http://vnniosh.vn/Portals/0/VT_Articles/2014/nt-30112023.jpg
Các doanh nghiệp phải sử dụng phương tiện đo để tiến hành đo, kiểm tra hàm lượng khí oxy,
các loại khí độc, khí cháy nổ trong không gian hạn chế
 
Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh tại văn bản số 2917/UBND-VHXH ngày 18/10/2023 về việc tăng cường quản lý nhà nước, tuân thủ pháp luật ATVSLĐ, để hạn chế đến mức thấp nhất các vụ tai nạn xảy ra do người sử dụng lao động, người lao động chưa tuân thủ các quy định về ATVSLĐ, vi phạm các quy định về làm việc trong không gian hạn chế, về đảm bảo an toàn tại nơi làm việc có khí độc, khí cháy nổ..., ngày 13/11/2023, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Quảng Ninh đã ban hành văn bản số 3310/LĐTBXH-TTr về việc tăng cường công tác quản lý, tuân thủ pháp luật ATVSLĐ.

Theo đó, đối với các sở, ban ngành, địa phương tổ chức thực hiện kiểm tra các đơn vị, doanh nghiệp có môi trường làm việc trong không gian hạn chế phải xây dựng biện pháp, phương án làm việc theo QCVN 34:2018/BLĐTBXH Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn lao động khi làm việc trong không gian hạn chế; kiểm tra việc tuân thủ quy định pháp luật trong trang cấp, sử dụng phương tiện bảo vệ cá nhân cho người lao động theo Thông tư số 25/2022/TT-BLĐTBXH ngày 30/11/2022 của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội quy định về chế độ trang cấp phương tiện bảo vệ cá nhân trong lao động. Kịp thời tạm đình chỉ hoạt động sản xuất tại những khu vực, nơi làm việc của người lao động có nguy cơ gây sự cố, tai nạn lao động; chỉ cho phép hoạt động sản xuất trở lại khi đã có đầy đủ các biện pháp, giải pháp khắc phục, đảm bảo an toàn tuyệt đối cho người lao động.

Đối với các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh: Tổ chức thực hiện kiểm tra, rà soát, tuân thủ pháp luật trong quản lý ATVSLĐ; đặc biệt, tại những khu vực, nơi làm việc trong không gian hạn chế phải xây dựng biện pháp, phương án làm việc theo QCVN 34:2018/BLĐTBXH Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn lao động khi làm việc trong không gian hạn chế được ban hành theo Thông tư số 29/2018/TT-BLĐTBXH ngày 25/12/2018 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội; trang cấp, hướng dẫn cho người lao động sử dụng thành thạo các phương tiện bảo vệ cá nhân theo Thông tư số 25/2022/TT-BLĐTBXH ngày 30/11/2022 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và phải thường xuyên kiểm tra việc sử dụng. Trước khi triển khai thi công, làm việc trong không gian hạn chế, người sử dụng lao động phải khảo sát hiện trường, căn cứ vào điều kiện thực tế, đặc điểm của công việc thi công để nhận diện các yếu tố nguy hiểm, yếu tố có hại, xác định các vùng nguy hiểm, yếu tố có hại tại mỗi vị trí thi công (như khí cháy nổ, các khu vực có không gian phát sinh khí độc, nguy cơ điện giật, sự cố thiết bị điện...) để lập và triển khai đầy đủ biện pháp thi công, biện pháp đảm bảo an toàn; phải sử dụng phương tiện đo để tiến hành đo, kiểm tra hàm lượng khí Oxy, các loại khí độc, khí cháy nổ trong không gian hạn chế và các khu vực khác có phát sinh khí độc, khí cháy nổ, đảm bảo các khí đó nằm trong giới hạn an toàn trước và trong quá trình người lao động vào làm việc.

Tổ chức kiểm tra, rà soát công tác quản lý, vận hành máy, thiết bị, vật tư có yêu cầu nghiêm ngặt về ATVSLĐ. Thực hiện quan trắc môi trường lao động; kiểm soát đánh giá đầy đủ các yếu tố nguy hiểm, yếu tố có hại, nguy cơ có thể xảy ra sự cố, tai nạn lao động để đề ra và thực hiện đầy đủ các biện pháp kỹ thuật an toàn, đảm bảo tuyệt đối an toàn cho người và máy, thiết bị trong quá trình sản xuất. Tổ chức đánh giá nguy cơ rủi ro về ATVSLĐ cho các ngành nghề, công việc hiện có trong doanh nghiệp./.

Nguồn: Hưng CảnhTạp chí điện tử Lao động và Xã hội